Nghệ nhân trẻ 9X với nghệ thuật điêu khắc ánh sáng độc đáo
09/03/2021
Là kỹ sư xây dựng nhưng đam mê nghệ thuật, đến nay, nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự tìm tòi, sáng tạo ra một loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác biệt, anh gọi đó là nghệ thuật điêu khắc ánh sáng. Những tác phẩm của nghệ nhân trẻ thế hệ 9X đã khiến những người yêu nghệ thuật ngạc nhiên và thán phục.
Không gian xưởng gốm nhỏ của nghệ nhân Bùi Văn Tự trong làng gốm Bát Tràng lỉnh kỉnh nào bàn xoay, nào đất, nước… Chàng nghệ nhân trẻ lặng lẽ, miệt mài vuốt vuốt, nặn nặn…, theo những động tác vuốt nặn tỉ mẩn ấy, hình dáng con trâu dần hình thành. Ban đầu là thân, đầu trâu, rồi đến sừng, mắt trâu. Sau khi hoàn tất con trâu, là đến bước tạo hình lũy tre, hình ảnh gần gũi và thân thuộc của làng quê Việt Nam…
Bùi Văn Tự cứ lặng lẽ nặn vuốt và tỉ mẩn tỉa tót cho đến khi bức tượng hình thành, anh quay qua chiếc đèn để sẵn bên cạnh bật công tắc, những người có mặt đều ngỡ ngàng khi thấy điều kỳ diệu xuất hiện: Chiếc bóng của bức tượng hình con trâu nằm dưới lũy tre hắt lên tường lại là hình một cánh thuyền buồm căng gió.
Nghệ nhân Bùi Văn Tự cho biết, sau khi bức tượng được đắp nặn thành công, anh đem tượng phơi khô, sau đó cho vào lò nung, rồi mang đi dát vàng và làm bệ gỗ để đặt… Đến khi đó, tác phẩm nghệ thuật mới chính thức hoàn chỉnh.
Bùi Văn Tự đặt tên cho tác phẩm độc đáo này là “Kim Ngưu - Chấn hưng cơ nghiệp” - một món quà anh dành riêng cho Xuân Tân Sửu 2021 với số lượng giới hạn là 221 bản đặc biệt.
Chia sẻ lý do chọn hình tượng con trâu làm sản phẩm chủ đạo năm 2021, Bùi Văn Tự nói, xuất phát từ câu thành ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” của cha ông, vừa đúng năm 2021 người Việt Nam đón Tết Nguyên đán Tân Sửu với biểu tượng là con trâu nên anh đã nảy ý tưởng làm tượng hình con trâu vàng. Anh nghĩ, đây sẽ là món quà tặng có ý nghĩa và mang đậm nét văn hóa cho năm Tân Sửu 2021.
“Hình ảnh con trâu vàng nằm an nhàn dưới lũy tre xanh vốn rất gần gũi, thân thuộc trong văn hoá Việt, xung quanh con trâu là những đồng tiền vàng tạo cho người xem cảm giác no đủ, bình yên. Nhưng khi chiếu ánh sáng vào, bóng của bức tượng trâu vàng nằm dưới lũy tre xanh hắt lên thành hình một chiếc thuyền buồm thì lại ra câu chuyện của hiện tại, đó là công việc, là mô hình kinh doanh, doanh nghiệp…, ai cũng muốn "thuận buồm xuôi gió". Chiếc thuyền buồm căng gió cũng tượng trưng cho ý nghĩa vươn ra biển lớn”, nghệ nhân Bùi Văn Tự lý giải.
Nghệ nhân Bùi Văn Tự đặt tên cho sản phẩm của mình là nghệ thuật điêu khắc ánh sáng và anh là người đầu tiên sáng tạo ra. Không chỉ sáng tạo tác phẩm bằng gốm, Bùi Văn Tự còn sáng tạo nhiều tác phẩm điêu khắc ánh sáng bằng gỗ lũa, bằng đá, xi măng, thậm chí là bằng các vật dụng cũ đã bỏ đi như mũ bảo hiểm cũ, chai, vỏ lon nước ngọt hay những chiếc hộp giấy… Dưới bàn tay khéo léo, tỉ mẩn của người nghệ nhân trẻ tuổi, cùng với sự trợ giúp của ánh đèn, những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ánh sáng bằng nhiều chất liệu đã ra đời.
Khách đến tham quan gian phòng nhỏ của nghệ nhân Bùi Văn Tự đều không khỏi ngạc nhiên, khi thấy những khúc gỗ lũa được anh chạm khắc thành tác phẩm nghệ thuật, hay từ mảnh gép của phế liệu được anh tạo thành những bức tượng… Lúc đầu trông thì có vẻ kì dị nhưng khi anh chiếu đèn vào, những tác phẩm ấy lại trở nên lung linh, huyền ảo, bóng chiếu của những tác phẩm được chạm trổ, lắp ghép ấy bỗng hiện ra chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, rồi nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, thậm chí cả Phật tổ Như Lai, núi non đất Việt hay hình ảnh người mẹ bồng con… Sự kết hợp giữa tác phẩm điêu khắc và ánh sáng đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn mới, khác xa so với bản mà mọi người đã nhìn thấy khi chưa chiếu sáng.
Cảm hứng từ bóng
Chia sẻ lý do tìm tòi, sáng tạo ra loại hình nghệ thuật đặc biệt này, nghệ nhân Bùi Văn Tự cho biết, khi còn là sinh viên, anh đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Trong một lần dựng và trang trí non bộ tiểu cảnh, khi lắp đặt thêm ánh sáng để làm nổi bật tiểu
cảnh, anh chợt nhìn thấy bóng của hòn non bộ hắt lên tường rất giống hình con gấu, khi đó anh chợt nghĩ, tại sao không kết hợp giữa tác phẩm nghệ thuật với ánh sáng để tạo ra một tác phẩm theo ý mình…
Khi tốt nghiệp đại học, anh làm kỹ sư xây dựng cho một cơ quan nhà nước, công việc ổn định, nhưng ý tưởng về loại hình nghệ thuật vẫn luôn hiển hiện nên anh vừa làm việc vừa tranh thủ mày mò thực hiện. Ban đầu, anh dùng xi măng để tạo nên tác phẩm “Người mẹ” - một bức tượng có hình con chim mẹ mớm mồi cho chim con, khi chiếu đèn vào, bóng hắt lên tường sẽ là hình ảnh người mẹ đang bế con. Để làm tác phẩm này, anh mất đến gần 4 tháng mới hoàn thành.
Thấy làm bằng xi măng khá khó khăn nên anh ngừng. Sau đó, mỗi khi có thời gian, anh lại tìm những phế liệu quanh mình lắp ghép lại để tạo ra những hình đơn giản như con chim, xe ô tô… Cho đến năm 2014, anh được xem chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt" (Vietnam Got Talent), Bùi Văn Tự nảy ra ý tưởng tham gia để giới thiệu nghệ thuật mới này đến khán giả. Nghệ thuật độc đáo và tài năng của Bùi Văn Tự đã chinh phục ban giám khảo cũng như khán giả, giám khảo Hoài Linh đã ấn nút vàng để anh đi thẳng vào vòng chung kết.
Sự ủng hộ của ban giám khảo và khán giả trong chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt" đã giúp cho Bùi Văn Tự có thêm dũng khí theo đuổi con đường nghệ thuật của riêng mình. Anh quyết định nghỉ việc ở cơ quan nhà nước, tìm về Bát Tràng để bắt đầu một hành trình sáng tạo mới.
Đến Bát Tràng, Bùi Văn Tự bắt tay vào học nghề gốm, bắt đầu nặn từ chén đĩa, bình hoa… tất cả các công việc của nghề gốm anh đều làm. Sau đó anh chuyển sang làm Giám đốc sáng tạo cho tập đoàn gốm lớn ở Bát Tràng để học hỏi kinh nghiệm và có tư duy về sản phẩm về thị trường… Cho đến năm 2020, anh mới chính thức khởi nghiệp và dành toàn bộ thời gian cho nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.
Bùi Văn Tự cho biết, các tác phẩm được anh lựa chọn từ nhiều bằng nhiều nguyên liệu khác nhau, nhưng nhiều nhất là từ gỗ lũa và gốm. Đây đều là những nguyên liệu dễ tìm trên thị trường và phù hợp với phong cách chế tạo tác phẩm của anh. Tuy mỗi loại đều có những ưu nhược điểm khác nhau, nhưng điều quan trọng nhất là phải biết lựa chọn phù hợp với tác phẩm muốn sáng tạo.
Anh thường tìm nguồn cảm hứng sáng tạo tác phảm từ chính những con người anh có duyên gặp trong cuộc sống. Các tác phẩm của anh được sáng tác trên một số chủ đề như những hình ảnh về đức Phật; câu chuyện về người mẹ, chân dung danh nhân, nghệ sỹ, doanh nhân thành đạt, nhãn hiệu, thương hiệu…Bên cạnh đó, anh còn có ý định phát triển dòng sản phẩm điêu khắc ánh sáng làm quà tặng.
“Tôi hy vọng sẽ có điều kiện và cơ hội để sáng tạo những tác phẩm điêu khắc ánh sáng có giá trị, tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho mình, cho người và xã hội, đồng thời giới thiệu được những sản phẩm độc đáo đến với đông đảo người yêu nghệ thuật trong nước và quốc tế”, nghệ nhân Bùi Văn Tự mong muốn.